Những điều cần lưu ý cho bé trong dịp tết về In

Dịp tết tuy nhiều món ăn ngon được chuẩn bị, bánh mứt kẹo cũng luôn có sẵn nhưng đây lại chính là nguyên nhân tiềm ẩn những nguy hiểm cho trẻ.

Trẻ dễ mắc bệnh tiêu hóa trong dịp tết

Trong những ngày Tết, cha mẹ thường có thói quen sử dụng thực phẩm dự trữ (dễ nhiễm khuẩn, ôi thiu…), thực phẩm chế biến sẵn (nguy cơ lạm dụng hóa chất bảo quản) và thói quen ăn uống của mọi thành viên thường bị đảo lộn. Ví dụ, chế độ ăn nhiều thức ăn giàu đạm, đường, chất béo… giảm trầm trọng chất xơ, vitamin, chất khoáng… nên rất dễ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Đặc biệt trẻ em với hệ tiêu hóa còn non yếu, khả năng thích nghi kém nên khi các bé ăn không đúng bữa, lại lạm dụng các loại thực phẩm ưa thích nhưng không tốt cho sức khỏe (bánh, kẹo, nước ngọt…), khả năng các bé mắc chứng rối loạn tiêu hóa rất cao, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho bé nếu không được điều trị kịp thời.

Hóc dị vật là tình trạng khá phổ biến

Dịp tết, những tai nạn do hóc dị vật ở trẻ cũng diễn ra khá phổ biến, trong đó kẹo là 'thủ phạm' gây hóc dị vật đường thở nhiều nhất. Vì thế người lớn phải hết sức cẩn thận, không để trẻ ăn bánh, kẹo, hoa quả khuất tầm mắt. Nhắc nhở không cho trẻ vừa ăn, vừa đùa nghịch khiến dị vật vào rơi đường thở làm tắc nghẽn gây tử vong hoặc viêm phổi kéo dài nếu không xử trí kịp thời. Dị vật đường thở thường xảy ra ở trẻ nhỏ, tuổi ăn dặm đến 3 tuổi do độ tuổi này trẻ thường tò mò, thích cho vào miệng những vật cầm chơi".

Phòng ngộ độc thức ăn cho trẻ ngày Tết

Thức ăn ngày Tết thường được chế biến sẵn để dùng trong nhiều ngày như lạp xưởng, thịt kho trứng, cá kho, giò chả, bánh tét, bánh chưng. Thức ăn uống chứa nhiều đường như mứt, bánh kẹo, nước ngọt, sirô.

Khi bé có biểu hiện bị ngộ độc, gia đình nên đưa bé đến ngay bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời. ảnh minh họa

Những thức ăn trên nếu không đảm bảo trong quá trình chế biến, bảo quản và sử dụng, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây ngộ độc.

Trẻ bị ngộ độc thức ăn thường biểu hiện rối loạn tiêu hóa sau khi ăn từ một giờ trở đi. Bé nôn ói vài lần hoặc rất dữ dội, liên tục; đau bụng quặn từng cơn sau đó có thể đi tiêu chảy. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói nổi bật hay tiêu chảy nhiều hơn.

Đa số trẻ thường bị nôn ói rất nhiều do tác dụng của độc tố. Nếu không được chăm sóc thích hợp, nôn ói nhiều thường dẫn đến những biến chứng nặng như hít sặc, hạ đường huyết, rối loạn nước và điện giải đặc biệt ở trẻ em nhỏ. Sốt, tiêu đàm, tiêu máu là dấu hiệu nhiễm trùng gây tổn thương ruột. Một số ít trẻ bị ngộ độc thức ăn có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bị ngộ độc, tốt nhất là nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ khám và điều trị kịp thời.

Tốt nhất là đảm bảo thức ăn an toàn và hợp vệ sinh. Chọn thức ăn chế biến an toàn, tránh đồ ô nhiễm. Nấu chín và bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Hâm kỹ lại thức ăn trước khi ăn. Tạo thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn, người lớn rửa tay trước khi chế biến thức ăn hoặc cho bé ăn.

Minh Thúy (Dinhduong.com.vn)